Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

QUÝT MƯỜNG KHƯƠNG

    Với địa hình nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới. Ở Mường Khương, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, sương mù và độ ẩm cao khiến cho chất lượng quýt và các loại trái cây có múi được trồng ở đây vượt trội hơn hẳn các nơi khác. Trong số các trái cây đặc hữu của địa phương, quýt Mường Khương được ưa chuộng với đặc trưng trái to vỏ mỏng, quả đều nhau, dậy mùi thơm, vị ngọt thanh, đặc biệt là rất mọng nước, là  sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap.



Đến Mường Khương vào mùa quýt chín, các bạn sẽ "lạc" trong rừng quýt bát ngát, trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức trái cây đặc sản này trong hương thơm lừng vấn vít không gian.


Các bạn hãy đến với nhà vườn Thành Phương để thưởng thức hương vị đặc trưng của thứ quả đặc sản nơi đây và mua về làm quà cho người thân, bạn bè nhé. 

          Nhà vườn Thành Phương chuyên sỉ, lẻ quýt Mường Khương khắp mọi miền tổ quốc.

          Địa chỉ: Thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

          Hotline: 0366589073 – 0979095731

        Bank: 8805205046625 – Thào Thị Phương – ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Khương


Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

VĂN BIA TRẤN ẢI XÃ PHA LONG

 


Cách đây hơn 40 năm trên mảnh đất Pha Long đã diễn một trận chiến đấu bảo vệ biên giới Phía bắc của Tổ quốc, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt chỉ trong 4 ngày từ ngày 17/02 - 20/2/1979, địch tổ chức tiến công 20 lần với 5 đợt tấn công lớn trong nhiều bức điện của Đồn biên phòng Pha Long điện đi có hai bức mang nội dung rất xúc động, bức điện ngày 19/2/1979 có viết “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin viễn biệt các đồng chí”. 

Ngày mùng 10/3/2013 đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Uỷ viên bộ Chính trị Phó thủ tướng Chính phủ đã tới thăm mảnh đất Pha Long cho dựng lên tấm văn bia Trấn ải chủ quyền quốc gia phía trái trước cổng Đồn Biên phòng Pha Long với lời khắc rất hùng thiên, từng chữ trên bia điều viết hoa rất trang trọng.

Mặt trước Bia trấn ải hướng phía Nam có ghi mấy dòng chữ, được in trên bia đá với nội dung:

“Nguyên Thần Bổn Mệnh Giữ Núi Non
Nam Sơn Bốn Cõi Tựa Sách Trời Định
Thiên Thiên Nhật Nguyệt Linh Linh Ứng
Tuyệt Tuyệt Long Phụng Bảo Quốc An
Bình Nhất Hà Việt Nam Quốc Thổ”

Theo Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh nguyên là Trưởng ban Thông tin và phổ biến kiến thức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ( nay là Phó viện trưởng Viện Nghiêm cứu Truyền thống và phát triển) dịch:

Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non
Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời.
Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (Điều đó)
(Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc.
Đất việt Nam yên bình nhất là ở đây.

Mặt sau bia Trấn ải hướng phía Bắc có ghi hình Trống Đồng, được in trên bia đá với ý nghĩa tâm linh bởi các họa tiết trên mặt trống đồng sinh khí tốt,  bởi nó được làm từ vật liệu kinh phí như đồng, vàng. Chính vì thế, tác dụng kim loại đồng xua đuổi tà ma. Bên cạnh đó, ánh sáng từ mặt trời trung tâm có tác dụng chiếu sáng và xua đi các khí xấu.

Tấm bia ngày nay được coi như Văn bia chủ quyền đặt tại biên giới quốc gia, được gìn giữ chăm sóc để đồng bào và chiến sĩ cả nước đến thăm viếng trong các hành trình về với biên cương của Tổ quốc. Đồng bào các dân tộc ở Mường Khương, Lào Cai rất tự hào vì tấm văn bia này. Người dân khắp nơi trên cả nước mong mỏi được đến đây, thăm Đồn Biên phòng Pha Long, đến tận nơi văn bia được dựng bên cạnh bản làng thanh bình nơi biên giới, tự hào vì những lời đanh thép khẳng định chủ quyền dân tộc được truyền trên văn bia đá cho đến muôn đời sau./.


NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM 49 CHIẾN SỸ TRUNG ĐOÀN 148 ĐÃ HY SINH TRONG CUỘC TIỄU PHỈ CHỐNG PHÁP NĂM 1950 TẠI XÃ TẢ NGÀI CHỒ

 

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Nhà bia tưởng niệm là công trình văn hóa, tâm linh, thể hiện truyền thống và quyết tâm giữ nước của Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương, để các thế hệ mai sau mãi mãi tự hào, noi gương khí phách anh hùng của cha anh trong các cuộc kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Năm 1950, vì bị suy yếu, thực dân Pháp buộc phải tăng cường xin viện trợ của đế quốc Mỹ. Được sự bày binh bố trận của can thiệp Mỹ, thực dân Pháp đề ra chiến lược xâm lược mới. Đối với vùng miền núi Tây Bắc, chúng âm mưu kết nối lại với thế lực phong kiến, sử dụng cả bọn đặc vụ, tàn quân Quốc dân Đảng phản động để thực hiện âm mưu gây phỉ. Mục đích gây phỉ là nhằm phá hoại hậu phương của ta, kìm chân các binh đoàn chủ lực của quân đội ta để chúng có điều kiện củng cố, xây dựng các lực lượng cơ động chiến lược, mở các cuộc tiến công, hòng giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

 Âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Mường Khương nói riêng nằm trong kế hoạch gây phỉ với quy mô lớn của Pháp ở vùng Tây Bắc. Viên Ba Danh (quan ba Pháp) chỉ huy tiểu khu Hoàng Su Phì và sau đó là Mường Khương - Pha Long đã đề ra kế hoạch chống phá Việt Minh bằng kế hoạch gây phỉ. Một mặt, địch vận động, cưỡng ép, mua chuộc thanh niên các dân tộc thiểu số theo chúng để huấn luyện tổ chức thành biệt kích nhằm tái chiếm Lào Cai. Mặt khác, chúng cài lại các tên tay sai đắc lực và một số lính dõng, bảo an làm nòng cốt cho việc gây phỉ và giao cho tên phản động Châu Quáng Lồ làm chỉ huy quân sự kiêm cả hành chính ở miền Đông Lào Cai. 

Ngày 22/10/1950, tên Châu Quáng Lồ đã triệu tập các chức dịch toàn vùng Pha Long - Mường Khương ra tuyên bố không nộp súng cho Việt Minh và kiên quyết tổ chức phản công chống lại quân chủ lực của ta lên tiếp quản. Tháng 11/1950, bọn phản động đã lập lại và củng cố được chính quyền của chúng ở Mường Khương. Lúc này, lưc lượng phỉ ở Mường Khương, Pha Long gồm bảo an, lính dõng, thổ phỉ (tàn quân của Quốc dân Đảng). Ở Mường Khương có 200 tên, Pha Long có khoảng 700 tên có các loại vũ khí như đại liên, trung liên, tiểu liên, súng cối, súng trường. Với lực lượng như trên chúng bố trí thành tuyến phòng ngự rất dày đặc và sào huyện chính của chúng là Lao Pao Chải (xã Pha Long).

Căn cứ vào tình hình địch và ý kiến đề nghị của Tỉnh ủy Lào Cai, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh liên khu đã quyết định mở chiến dịch tiễu phỉ ở Lào Cai lần thứ nhất, địa bàn tiễu phỉ được thực hiện ở miền Đông Lào Cai. Lực lượng tham gia chiến dịch tiễu phỉ giải phóng Mường Khương gồm có các Tiểu đoàn 910, 930 thuộc Trung đoàn 148, Đại đội 965 bộ đội địa phương Lào Cai và lực lượng dân quân du kích huyện Mường Khương. Mục tiêu của chiến dịch tiễu phỉ là giải phóng Mường Khương, Pha Long, thiết lập lại trật tự an ninh chính trị, xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng, vận động Nhân dân tham gia tiễu phỉ ở hai huyện Mường Khương và Bắc Hà.  

Ngày 14/11/1950, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 23 - CT/LK gửi Ban cán sự Mường Khương về việc tập trung lực lượng để tiễu phỉ. Chiến dịch tiễu phỉ lần thứ nhất trên địa bàn huyện chia làm 02 đợt: 

Đợt 1: Diễn ra từ ngày 05 đến ngày 18/11/1950, mục tiêu tập trung giải phóng Mường Khương. Vào 11h trưa ngày 11/11/1950 thị trấn Mường Khương đã được giải phóng. Ta thành lập ủy ban tiếp quản thị trấn, chuẩn bị tiến lên Pha Long.

Đợt 2: Diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 25/12/1950. Lúc này địch ở Pha Long khoảng 500 tên gồm bảo an, thổ phỉ (chưa kể lính dõng địa phương) với khoảng 20 súng trung liên, 2 súng cối 60 ly, súng trường đầy đủ do tên Pay Chồ và Châu Quáng Lồ chỉ huy. Quân địch không đóng trong đồn mà rải rác trên các ngả đường, cắm chông thuốc độc. Ban Chỉ huy Mặt trận tiễu phỉ trừ gian đã chỉ đạo tấn công Pha Long với phương châm: “Nặng về chính trị hơn quân sự - tiêu diệt bọn thổ phỉ, bảo an làm tan rã tay chân của địch…bắt sống Châu Quáng Lồ, đánh du kích với địch chiếm đóng Pha Long”. Chấp hành mệnh lệnh, Trung đoàn 148 cho 2 đại đội truy kích lên Nậm Tèn Hồ, các bộ phận còn lại điều tra tình hình, rút kinh nghiệm chiến đấu, chuẩn bị tiến công lên Pha Long. Thực hiện kế hoạch tiễu phỉ, ngày 19/11/1950, ta điều động 2 Tiểu đoàn 910 và 930 thuộc Trung đoàn 148 từ thị trấn xuất kích tiến công bọn phỉ ở khu vực Pha Long theo lối tiến công trận địa. Các vị trí tiễu phỉ từ Ngải Phóng Chồ, Suối Thầu, Ngải Thầu do Tiểu đoàn 910 đảm nhiệm tấn công. Địch tấn công yếu ớt nên quân ta nhanh chóng giải phóng Ngải Phóng Chồ (xã Dìn Chin) vào ngày 20/11, giải phóng Suối Thầu (xã Pha Long) và Ngải Thầu (xã Dìn Chin) vào ngày 21/11 và tiến công áp sát các điểm cao quanh Pha Long. Trong khi đó mũi tiến công của Tiểu đoàn 930 tiến theo trục đường chính thị trấn Mường Khương đi Pha Long đã đánh bật địch khỏi Nậm Tèn Hồ, Gò Mâm Xôi, lô cốt Lao Pao Chải (Pha Long) từ 20 -21/11. Trong quá trình truy quét phỉ ta đã bị phỉ phục kích ở Máo Chóa Sử. Chúng sử dụng vũ khí bất ngờ đồng loạt phản công lại quân ta. 

Ngày 23/11/1950, Tiểu đoàn 910 được điều đến giải vây trận địa. Kết quả quân ta bị thất bại và rút về thị trấn. Sau đó, chúng tiếp tục tổ chức 03 đợt tấn công liên tiếp vào thị trấn Mường Khương và đều bị thất bại, chính quyền ta vẫn được giữ vững, trật tự trị an được đảm bảo. Trong cuộc chiến đấu này, 49 đồng chí của ta đã hi sinh, trong đó có 01 trung đội trưởng và 02 trung đội phó, 09 cán bộ tiểu đội. Các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc để non sông, đất nước, quê hương Mường Khương được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. 






Ngày 29/5/2022, được sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và quyết tâm cao của huyện Mường Khương, công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã được khánh thành. Công trình được hoàn thành đã thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo huyện, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, của mọi người dân, trong đó có sự đóng góp về tiền của, công sức của nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện, cùng với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. 

Công trình có ý nghĩa văn hóa tâm linh nhằm tri ân công lao của các liệt sĩ đã hi sinh cho quê hương, cũng là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương cho thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ, một địa điểm tự hào giới thiệu huyện Mường Khương với bạn bè trong và ngoài tỉnh; là một điểm dừng chân chiêm bái trên tuyến đường tâm linh Mường Khương, Tả Ngài Chồ, Pha Long của huyện Mường Khương./.


DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐỀN MẪU SẢNG CHẢI

Mường Khương là địa phương giàu truyền thống văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Mường Khương đã anh dũng chiến đấu trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc, chống thực dân Pháp, tiễu Phỉ, chiến tranh biên giới. Ở Mường Khương, với đặc trưng địa hình núi đá, đã hình thành nên hệ thống hang động phong phú về loại hình và số lượng. Tại các hang đá nơi có nhiều nhũ đá dạng măng đá nhỏ thường được người dân phủ vải đỏ để thờ cúng. Theo quan niệm của người Nùng, những măng đá có hình thù khác lạ được cho là những vị bụt tiên mang lại điềm lành cho thôn bản nên được phủ vải đỏ phía trên để thờ cúng. Đây là phong tục có từ xa xưa truyền lại. Với quan niệm vạn vật hữu linh, hầu hết các dân tộc vùng cao đều thờ các vị thần tự nhiên như thần núi, thần rừng, thần đất bởi đây là những yếu tố tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm linh, sinh hoạt của con người với mong muốn được che chở bảo vệ trước thiên tai. Trong tự nhiên, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật của họ để đạt được mục đích cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc… Do đó, tín ngưỡng thờ đá của của người Nùng ở Mường Khương là hết sức tự nhiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên môi trường sống của tộc người thể hiện khát vọng được một thế lực siêu nhiên có thể bảo vệ che chở và phù hộ cho những điều tốt đẹp, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để hướng tới một cuộc sống bình yên, no đủ.

Trước những biến động lịch sử, việc tổn thất về mọi mặt trong đời sống nhân dân là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh chung đó, các di tích trên địa bàn huyện Mường Khương cũng bị tàn phá, hư hỏng và thất lạc nhiều tư liệu, hiện vật dẫn đến khó khăn trong việc xác định niên đại cũng như lịch sử ngôi đền. Như vậy, về quá trình hình thành và phát triển của di tích, chỉ sơ lược trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến nay mặc dù theo lời các cụ cao niên thì các di tích này có từ nhiều đời trước đó.

Toàn cảnh Đền Mẫu Sàng Chải

Đền Mẫu Sảng Chải là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Mường Khương từ lâu đời. Không rõ được xây dựng từ khi nào nhưng vào đầu thế kỷ 20, ngôi đền được đông đảo người dân đến chiêm bái, thờ phụng. Trước năm 1979, Bụt Tiên (Ti Thín) và Mẫu Thượng ngàn được thờ tự tại hai nơi khác nhau. Nơi thờ Bụt Tiên (Ti Thín) tọa ở vị trí trên núi Pháo Đài; Mẫu Thượng ngàn được thờ tại một ngôi đền dưới tổ dân phố Sảng Chải (vị trí nhà văn hóa thôn Sảng Chải hiện nay) Đền thờ Mẫu Thượng ngàn tại thôn Sảng Chải (vị trí nhà văn hóa thôn Sảng Chải hiện nay) vốn là một ngôi đền khang trang được đông đảo người dân đến chiêm bái, thờ phụng nhưng do chiến tranh loạn lạc cùng với biến động của thời cuộc, ngôi đền bị phá hủy từ năm 1967. Sau này, do chiến tranh loạn lạc, ngôi đền không còn, đến năm 1979 người dân địa phương đưa Mẫu Thượng ngàn (một trong ba vị Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt) về núi Pháo Đài để tiếp tục thờ cúng cùng với miếu thờ Ti Thín ( tức là Bụt tiên) theo quan niệm của người Nùng, Bụt Tiên là thần tiên trên trời hay giúp đỡ người dân khi khó khăn hoạn nạn). Việc phối thờ giữa Bụt Tiên và Mẫu Thượng ngàn đã đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng về tâm linh của nhân dân địa phương. Từ khi rước chân nhang Mẫu Thượng ngàn về thờ tại đây càng tăng thêm tính linh thiêng và linh ứng đồng thời cũng là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho người dân về chiêm bái dâng hương cầu phúc, cầu con cái, tài lộc. Đồng thời cũng là truyền thống tôn giáo của dân tộc Việt Nam, truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa cho tới hôm nay.

Tên của Đền Mẫu Sảng Chải gắn liền với tên gọi của địa danh tổ dân phố Sảng Chải thuộc thị trấn Mường Khương huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Sảng Chải là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa: "Sảng" có nghĩa là thượng, "Chải" có nghĩa là ở. Tiếng Nùng gọi “Sảng Chải” là "Lủng Nứ" có nghĩa là thôn trên. Như vậy, tên "Sảng Chải' hay "Lủng Nứ" đều có nghĩa là thôn ở trên do địa thế của thị trấn Mường Khương giống như thung lũng lòng chảo mà tổ dân phố Sảng Chải có địa thế cao hơn nên có ý nghĩa là thôn trên trong tên gọi Sảng Chải. Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh, địa giới của huyện Mường Khương có sự thay đổi, nhưng tổ dân phố Sảng Chải vẫn là một trong những thôn cổ, thôn gốc của huyện Mường Khương với tên gọi Sảng Chải. 

Với vị trí tọa lạc trên sườn núi Pháo Đài, lưng dựa núi mặt hướng về thung lũng Mường Khương, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng tạo nên phong cảnh hữu tình khi du khách về đây chiêm bái. Như vậy, Đền Mẫu Sảng Chải không chỉ có vị trí đắc địa trong phong thủy mà còn có giá trị lịch sử khi gắn liền với địa danh núi Pháo Đài và quan trọng hơn cả là cột mốc văn hóa tâm linh đánh dấu chủ quyền biên giới của nhân dân Mường Khương trong suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, núi Pháo đài là một điểm cao trọng yếu của huyện Mường Khương trong cả thời chiến lẫn thời bình, địa thế ở trên đỉnh núi Pháo đài có thể quan sát được toàn bộ thung lũng thị trấn Mường Khương. Hiện tại, ở Đền Mẫu Sảng Chải người dân tổ chức lễ bái lớn nhất trong năm là ngày 19/9 âm lịch bởi theo quan niệm của người Nùng đây là ngày đẹp, là biểu tượng cho ngày sinh ngày đẻ. Số 1 và số 9 khi cộng lại thành 10, đây là biểu trưng cho hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng giống như hình ảnh người mẹ đang mang bầu, số 1 tượng trưng cho người mẹ, số 0 tượng trưng cho người con, số 9 tượng trưng cho 9 tháng mang bầu của người mẹ. 

Đền Mẫu Sảng Chải là ngôi nhà nhỏ cấp 4 với diện tích xây dựng khoảng 60 m2, không có tường bao quanh, mái được lợp ngói đỏ. Phía trước đền có nhiều cây cao để che bóng mát và nương rẫy của người dân, phía sau là núi đá. Cùng với những biến thiên của thời gian và lịch sử, song Đền Mẫu Sảng Chải vẫn luôn được người dân bảo vệ, tu tạo, duy trì cho đến ngày nay. Với sự linh thiêng và ý nghĩa của Đền Mẫu, người dân địa phương và du khách thập phương trong và ngoài nước thường xuyên tới thăm viếng, để tỏ lòng thành kính.

Công trình được quy hoạch, tôn tạo, xây dựng nâng cấp góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích tâm linh, bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn huyện. Năm 2021, công trình cải tạo, nâng cấp đền Sảng Chải được UBND huyện giao danh mục nghiên cứu đầu tư xây dựng Cải tạo, nâng cấp cho UBND thị trấn Mường Khương làm chủ đầu tư kinh phí thực hiện sử dụng nguồn vốn xã hội hoá với quy mô đầu tư xây dựng như: Sửa chữa nhà đền mẫu: Tổng diện tích 34m2. Xây dựng mới cung đại bái gồm: Nhà 3 gian bằng bê tông cốt thép giả gỗ, diện tích 120m2. Xây dựng mới sân bê tông với diện tích khoảng 380m2. Kết cấu sân khung Bê tông cốt thép chịu lực, giằng, cột, dầm, sàn, bê tông toàn khối bán theo địa hình đồi dốc. Làm mới hệ thống đường lên bằng đá xây sửa mặt, diện tích khoảng 240 m2 và một số công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư  4 tỷ 500 triệu đồng.

Đến ngày 16/4/2023 công trình đã hoàn thành và được khánh thành đưa vào sử dụng. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình nhằm bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị vốn có của di tích, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân huyện Mường Khương nói riêng và du khách thập phương nói chung. Đền thờ Thánh Mẫu sau khi hoàn thành không những là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của người dân trên địa bàn huyện mà với ý nghĩa lịch sử mang trong mình, nơi đây còn góp phần gìn giữ, phát huy, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. 

Ngôi đền ẩn mình giữa điệp trùng núi non hùng vĩ với phong cảnh nên thơ, trữ tình. Đền Mẫu Sảng Chải không chỉ có vị trí đắc địa trong phong thủy mà còn là cột mốc văn hóa tâm linh đánh dấu chủ quyền biên giới của nhân dân Mường Khương trong suốt chiều dài lịch sử. Với tất cả nỗ lực của Cấp ủy, chính quyền huyện, sự chung tay đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt là sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Đền Mầu Sảng Chải sẽ luôn là niềm tự hào, chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho người dân Mường Khương, là điểm đến lý tưởng để du khách thập phương trong và ngoài nước về chiêm bái dâng hương cầu phúc./.


Bàn thờ bụt tại đền Mẫu





CỘT CỜ TỔ QUỐC TRÊN ĐỈNH NÚI CÔ TIÊN

Mường Khương, với vị trí địa lý nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai. Trong bức họa đồ biên giới Mường Khương bốn mùa xanh tươi và kỳ vĩ, Mường Khương được biết đến với những dải sơn nguyên đá vôi có nhiều hang động và thác nước đẹp. Thiên nhiên đã tạo tác nên núi Cô Tiên, một điểm nhấn trong hành trình trải nghiệm đến huyện Mường Khương.

Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Cô tiên nhìn từ trên cao 
(Ảnh: đ/c Lê Ngọc Dương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện)

Từ trung tâm thành phố Lào Cai, đi theo Quốc lộ 4D về phía bắc khoảng 50km, du khách sẽ đến thị trấn trung tâm huyện lỵ của huyện Mường Khương. Trong số các danh thắng của huyện Mường Khương có lẽ núi Cô Tiên là điểm nhấn quen thuộc của nhiều người khi đến Mường Khương. Núi Cô Tiên tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Mường Khương. Từ đỉnh ngọn núi có thể ngắm nhìn bao quát cả một vùng thung lũng Mường Khương. Tương truyền rằng, xa xưa có một nàng Tiên xuống hạ giới du Xuân, thấy nơi đây cảnh đẹp lạ kỳ, sơn thuỷ hữu tình nên nặng lòng  ở lại. Vì vậy, núi này được bà con các dân tộc nơi đây gọi là núi Cô Tiên. 

Ngày nay, núi Cô Tiên vẫn sừng sững, uy nghi nhìn về trung tâm thị trấn Mường Khương. Cùng với hang động Hàm Rồng, thắng cảnh quốc gia hùng vĩ và huyền thoại và cả những ruộng lúa, nương ngô, rừng cây, đồi chè, đồi dứa, đồi chuối xanh bạt ngàn, là những điểm du lịch hấp dẫn đang chào đón bạn bè bốn phương. Nhằm góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng đất biên cương địa đầu của Tổ quốc; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương, đồng thời qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thế hệ trong quá trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Mặt khác, tạo điểm nhấn, kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp thiên nhiên có sẵn và bàn tay xây dựng của con người để thu hút khách du lịch đến với huyện Mường Khương nói chung và tham quan đỉnh núi Cô tiên nói riêng, góp phần phát triển du lịch theo định hướng của Đảng bộ và chính quyền huyện. Năm 2022, huyện Mường Khương đã xây dựng Công trình Cột cờ trên đỉnh núi Cô Tiên. Công trình chính thức khởi công từ tháng 9/2022. Chỉ sau 2 tháng thi công xây dựng, công trình đã hoàn thành và đến ngày 04/11, huyện Mường Khương đã tổ chức Lễ khánh thành. Cột cờ bằng Inox, cao 18m, lá cờ rộng 24m2 là biểu trưng cho kết quả của 64 cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Mường Khương; sân cột cờ hình bát giác; lan can bảo vệ bằng Inox, có tổng vốn đầu tư 850 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. 

Công trình là biểu tượng của độc lập, tự do, hòa bình, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; là điểm tựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Công trình hoàn thành đúng vào dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày giải phóng Huyện Mường Khương góp phần khẳng định thành quả cách mạng của 72 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện. Qua đó tiếp thêm động lực, cổ vũ, động viên tinh thần to lớn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc của huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Mường Khương; phát huy ý chí tự lực tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống của huyện anh hùng, xây dựng và bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc ngày thêm giàu đẹp và vững mạnh.

Từ khi công trình Cột cờ trên đỉnh núi Cô Tiên khánh thành đã thu hút được nhiều du khách và nhân dân địa phương leo núi tham quan và chiêm ngưỡng. Với nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh quan tự nhiên đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Mường Khương phát triển một số loại hình du lịch: Sinh thái, tâm linh, khám phá thiên nhiên, văn hóa - lịch sử sẵn sàng chào đón du khách tới thưởng ngoạn, khám phá./.