Mường Khương là địa phương giàu truyền thống văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Mường Khương đã anh dũng chiến đấu trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc, chống thực dân Pháp, tiễu Phỉ, chiến tranh biên giới. Ở Mường Khương, với đặc trưng địa hình núi đá, đã hình thành nên hệ thống hang động phong phú về loại hình và số lượng. Tại các hang đá nơi có nhiều nhũ đá dạng măng đá nhỏ thường được người dân phủ vải đỏ để thờ cúng. Theo quan niệm của người Nùng, những măng đá có hình thù khác lạ được cho là những vị bụt tiên mang lại điềm lành cho thôn bản nên được phủ vải đỏ phía trên để thờ cúng. Đây là phong tục có từ xa xưa truyền lại. Với quan niệm vạn vật hữu linh, hầu hết các dân tộc vùng cao đều thờ các vị thần tự nhiên như thần núi, thần rừng, thần đất bởi đây là những yếu tố tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm linh, sinh hoạt của con người với mong muốn được che chở bảo vệ trước thiên tai. Trong tự nhiên, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật của họ để đạt được mục đích cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc… Do đó, tín ngưỡng thờ đá của của người Nùng ở Mường Khương là hết sức tự nhiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên môi trường sống của tộc người thể hiện khát vọng được một thế lực siêu nhiên có thể bảo vệ che chở và phù hộ cho những điều tốt đẹp, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để hướng tới một cuộc sống bình yên, no đủ.
Trước những biến động lịch sử, việc tổn thất về mọi mặt trong đời sống nhân dân là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh chung đó, các di tích trên địa bàn huyện Mường Khương cũng bị tàn phá, hư hỏng và thất lạc nhiều tư liệu, hiện vật dẫn đến khó khăn trong việc xác định niên đại cũng như lịch sử ngôi đền. Như vậy, về quá trình hình thành và phát triển của di tích, chỉ sơ lược trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến nay mặc dù theo lời các cụ cao niên thì các di tích này có từ nhiều đời trước đó.
Toàn cảnh Đền Mẫu Sàng Chải
Đền Mẫu Sảng Chải là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Mường Khương từ lâu đời. Không rõ được xây dựng từ khi nào nhưng vào đầu thế kỷ 20, ngôi đền được đông đảo người dân đến chiêm bái, thờ phụng. Trước năm 1979, Bụt Tiên (Ti Thín) và Mẫu Thượng ngàn được thờ tự tại hai nơi khác nhau. Nơi thờ Bụt Tiên (Ti Thín) tọa ở vị trí trên núi Pháo Đài; Mẫu Thượng ngàn được thờ tại một ngôi đền dưới tổ dân phố Sảng Chải (vị trí nhà văn hóa thôn Sảng Chải hiện nay) Đền thờ Mẫu Thượng ngàn tại thôn Sảng Chải (vị trí nhà văn hóa thôn Sảng Chải hiện nay) vốn là một ngôi đền khang trang được đông đảo người dân đến chiêm bái, thờ phụng nhưng do chiến tranh loạn lạc cùng với biến động của thời cuộc, ngôi đền bị phá hủy từ năm 1967. Sau này, do chiến tranh loạn lạc, ngôi đền không còn, đến năm 1979 người dân địa phương đưa Mẫu Thượng ngàn (một trong ba vị Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt) về núi Pháo Đài để tiếp tục thờ cúng cùng với miếu thờ Ti Thín ( tức là Bụt tiên) theo quan niệm của người Nùng, Bụt Tiên là thần tiên trên trời hay giúp đỡ người dân khi khó khăn hoạn nạn). Việc phối thờ giữa Bụt Tiên và Mẫu Thượng ngàn đã đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng về tâm linh của nhân dân địa phương. Từ khi rước chân nhang Mẫu Thượng ngàn về thờ tại đây càng tăng thêm tính linh thiêng và linh ứng đồng thời cũng là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho người dân về chiêm bái dâng hương cầu phúc, cầu con cái, tài lộc. Đồng thời cũng là truyền thống tôn giáo của dân tộc Việt Nam, truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa cho tới hôm nay.
Tên của Đền Mẫu Sảng Chải gắn liền với tên gọi của địa danh tổ dân phố Sảng Chải thuộc thị trấn Mường Khương huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Sảng Chải là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa: "Sảng" có nghĩa là thượng, "Chải" có nghĩa là ở. Tiếng Nùng gọi “Sảng Chải” là "Lủng Nứ" có nghĩa là thôn trên. Như vậy, tên "Sảng Chải' hay "Lủng Nứ" đều có nghĩa là thôn ở trên do địa thế của thị trấn Mường Khương giống như thung lũng lòng chảo mà tổ dân phố Sảng Chải có địa thế cao hơn nên có ý nghĩa là thôn trên trong tên gọi Sảng Chải. Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh, địa giới của huyện Mường Khương có sự thay đổi, nhưng tổ dân phố Sảng Chải vẫn là một trong những thôn cổ, thôn gốc của huyện Mường Khương với tên gọi Sảng Chải.
Với vị trí tọa lạc trên sườn núi Pháo Đài, lưng dựa núi mặt hướng về thung lũng Mường Khương, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng tạo nên phong cảnh hữu tình khi du khách về đây chiêm bái. Như vậy, Đền Mẫu Sảng Chải không chỉ có vị trí đắc địa trong phong thủy mà còn có giá trị lịch sử khi gắn liền với địa danh núi Pháo Đài và quan trọng hơn cả là cột mốc văn hóa tâm linh đánh dấu chủ quyền biên giới của nhân dân Mường Khương trong suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, núi Pháo đài là một điểm cao trọng yếu của huyện Mường Khương trong cả thời chiến lẫn thời bình, địa thế ở trên đỉnh núi Pháo đài có thể quan sát được toàn bộ thung lũng thị trấn Mường Khương. Hiện tại, ở Đền Mẫu Sảng Chải người dân tổ chức lễ bái lớn nhất trong năm là ngày 19/9 âm lịch bởi theo quan niệm của người Nùng đây là ngày đẹp, là biểu tượng cho ngày sinh ngày đẻ. Số 1 và số 9 khi cộng lại thành 10, đây là biểu trưng cho hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng giống như hình ảnh người mẹ đang mang bầu, số 1 tượng trưng cho người mẹ, số 0 tượng trưng cho người con, số 9 tượng trưng cho 9 tháng mang bầu của người mẹ.
Đền Mẫu Sảng Chải là ngôi nhà nhỏ cấp 4 với diện tích xây dựng khoảng 60 m2, không có tường bao quanh, mái được lợp ngói đỏ. Phía trước đền có nhiều cây cao để che bóng mát và nương rẫy của người dân, phía sau là núi đá. Cùng với những biến thiên của thời gian và lịch sử, song Đền Mẫu Sảng Chải vẫn luôn được người dân bảo vệ, tu tạo, duy trì cho đến ngày nay. Với sự linh thiêng và ý nghĩa của Đền Mẫu, người dân địa phương và du khách thập phương trong và ngoài nước thường xuyên tới thăm viếng, để tỏ lòng thành kính.
Công trình được quy hoạch, tôn tạo, xây dựng nâng cấp góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích tâm linh, bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn huyện. Năm 2021, công trình cải tạo, nâng cấp đền Sảng Chải được UBND huyện giao danh mục nghiên cứu đầu tư xây dựng Cải tạo, nâng cấp cho UBND thị trấn Mường Khương làm chủ đầu tư kinh phí thực hiện sử dụng nguồn vốn xã hội hoá với quy mô đầu tư xây dựng như: Sửa chữa nhà đền mẫu: Tổng diện tích 34m2. Xây dựng mới cung đại bái gồm: Nhà 3 gian bằng bê tông cốt thép giả gỗ, diện tích 120m2. Xây dựng mới sân bê tông với diện tích khoảng 380m2. Kết cấu sân khung Bê tông cốt thép chịu lực, giằng, cột, dầm, sàn, bê tông toàn khối bán theo địa hình đồi dốc. Làm mới hệ thống đường lên bằng đá xây sửa mặt, diện tích khoảng 240 m2 và một số công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư 4 tỷ 500 triệu đồng.
Đến ngày 16/4/2023 công trình đã hoàn thành và được khánh thành đưa vào sử dụng. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình nhằm bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị vốn có của di tích, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân huyện Mường Khương nói riêng và du khách thập phương nói chung. Đền thờ Thánh Mẫu sau khi hoàn thành không những là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của người dân trên địa bàn huyện mà với ý nghĩa lịch sử mang trong mình, nơi đây còn góp phần gìn giữ, phát huy, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngôi đền ẩn mình giữa điệp trùng núi non hùng vĩ với phong cảnh nên thơ, trữ tình. Đền Mẫu Sảng Chải không chỉ có vị trí đắc địa trong phong thủy mà còn là cột mốc văn hóa tâm linh đánh dấu chủ quyền biên giới của nhân dân Mường Khương trong suốt chiều dài lịch sử. Với tất cả nỗ lực của Cấp ủy, chính quyền huyện, sự chung tay đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt là sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Đền Mầu Sảng Chải sẽ luôn là niềm tự hào, chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho người dân Mường Khương, là điểm đến lý tưởng để du khách thập phương trong và ngoài nước về chiêm bái dâng hương cầu phúc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét